7 ngành được thí sinh lựa chọn nhiều nhất kỳ tuyển sinh đại học 2017
Nhóm ngành y có số lượng thí sinh đăng ký nhiều nhất với 527.201 thí sinh đăng ký. Trong khi đó, nếu chỉ tính số thí sinh đăng ký nguyện vọng 1, nhóm ngành kinh doanh đứng ở vị trí số 1 với hơn 80.000 thí sinh đăng ký.
Nhóm ngành kinh doanh có số lượng thí sinh đăng ký ở NV1 nhiều nhất. Ảnh: Lê Văn.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2017, cả nước có 635.000 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học trong tổng số 866.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia năm nay.
Trong số này, nhóm ngành kinh doanh có tỉ lệ đăng ký nguyện vọng 1 cao nhất với hơn 80.000 thí sinh, chiếm 12,6%. Xếp thứ 2 là nhóm ngành ngôn ngữ - văn hóa nước ngoài với 42.545 thí sinh đăng ký ở nguyện vọng 1, chiếm 6,7%
Xếp thứ 3 là nhóm ngành đào tạo giáo viên với 39.370 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1, chiếm 6,2%.
Các nhóm ngành Luật, Y học, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật cơ khí lần lượt là các ngành chiếm vị trí tiếp theo với lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 từ 23.000 đến 34.000.
Thí sinh Hà Nội sau buổi thi môn Ngữ văn. Ảnh: Lê Anh Dũng
Thống kê theo ngành thì ngành quản trị kinh doanh là ngành được nhiều thí sinh lựa chọn nhất với 36.005 thí sinh đăng ký ở nguyện vọng 1.
Ngành thứ 2 là ngành Y đa khoa với 31.115 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1, chiếm tới 98% tổng số thí sinh đăng ký nhóm ngành y.
Ngành Luật xếp vị trí thứ 3 với 26.194 thí sinh đăng ký., chiếm 75% trong tổng số thí sinh đăng ký nhóm ngành Luật.
Các ngành được đăng ký nhiều nhất trong kỳ xét tuyển ĐH năm 2017. Ảnh: Lê Văn.
Ngành Ngôn ngữ Anh chiếm vị trí thứ 4 với 24.251 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1.
Đây cũng là ngành có tỉ lệ thí sinh đông nhất trong nhóm ngành ngôn ngữ và văn hóa nước ngoài (57%).
Ngành CNTT được lựa chọn nhiều nhất trong nhóm ngành CNTT với 22.663 thí sinh đăng ký, chiếm 83%
Ngành kỹ thuật ô tô có 12.862 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1, chiếm 59% lượng thí sinh của nhóm ngành kỹ thuật cơ khí.
Đáng chú ý, ngành GD mầm non chiếm lượng thí sinh đông nhất trong nhóm ngành đào tạo giáo viên với 12.992 thí sinh, chiếm 33%.
Nếu tính lượng thí sinh có đăng ký nguyện vọng đại học phân theo các nhóm ngành thì ngành y học có số lượng thí sinh đăng ký đông nhất với 527.201 lượt thí sinh.
Số lượng thí sinh đăng ký theo nhóm ngành. Ảnh: Lê Văn.
Các ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí, CNTT, Máy tính, Luật, Tài chính – Ngân hàng – Bảo hiểm, Kinh doanh, Nhân văn, Ngôn ngữ và văn hóa nước ngoài, Đào tạo giáo viên đều là những ngành có lượng thí sinh đăng ký nhiều nhất của năm 2017.
Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, năm nay là năm đầu tiên thí sinh được chọn ngành không giới hạn số nguyện vọng nên đã đăng ký đúng ngành nghề mình yêu thích.
Trong đó, nguyện vọng 1 thể hiện rõ nhất xu hướng chọn ngành của thí sinh.
Các số liệu thống kê cho thấy, thí sinh đã chọn ngành nghề theo nhu cầu của xã hội, khả năng tìm được việc làm khi tốt nghiệp.
Những ngành có nhiều khả năng tự khởi nghiệp như quản trị kinh doanh, luật, ngôn ngữ Anh, công nghệ thông tin… thu hút được nhiều thí sinh đăng ký.
Trước đây tỉ lệ thí sinh chọn ngành sư phạm trung học đông thì nay tỉ lệ thí sinh chọn ngành giáo dục mầm non chiếm tỉ lệ lớn trong nhóm ngành đào tạo giáo viên do nhu cầu thực tế giáo viên cấp bậc học này.
Những ngành kỹ thuật trước đây khó tuyển sinh thì nay phục hồi mạnh mẽ như ngành kỹ thuật ô tô trong nhóm ngành kỹ thuật cơ khí.
Bên cạnh đó, do ở nước ta hiện nay tỉ lệ bác sĩ/vạn dân nước ta còn ở mức thấp nên nhu cầu nhân lực ngành y rất lớn. Vì thế mặc dù điểm đầu vào ngành y đa khoa năm nào cũng rất cao song những thí sinh giỏi đăng ký xét tuyển vào ngành này.
Mặc dù vậy, những con số thống kê nói trên chỉ tính đến thời điểm thí sinh hoàn tất việc đăng ký xét tuyển cùng với đăng ký dự thi THPT quốc gia 2017.
Theo quy chế năm nay, thí sinh có thể thay đổi, bổ sung các nguyện vọng xét tuyển sau khi có kết quả thi THPT quốc gia vào 7/7.
Đợt thay đổi nguyện vọng này diễn ra từ 15/7-23/7.
Trước đó, trao đổi với VietNamNet, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, Bộ sẽ công bố phổ điểm để thí sinh có căn cứ cân nhắc việc thay đổi, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển. Trong trường hợp kết quả thi không lệch nhiều với kết quả dự kiến thí sinh không nên thay đổi nguyện vọng đã đăng ký.
Lê Văn
Bài đăng khác
- Tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp, việc làm, xuất khẩu lao động cho thanh thiếu niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2024
- Chỉ thị 21-CT/TW của Ban bí thư về đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN đến 2030: Ưu tiên phân bổ ngân sách cho giáo dục nghề nghiệp đào tạo nhân lực trình độ cao các ngành nghề trọng điểm, mũi nhọn
- Thông báo lịch nghỉ tết nguyên đán 2023
- Thi THPT quốc gia sau năm 2017 sẽ như thế nào?